BÀI TUYÊN TRUYỀN

Giáo dục cảm xúc tích cực cho trẻ mầm non – Những điều phụ huynh cần biết!

 

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, công nghệ ngày càng hiện đại. Cha mẹ có xu hướng tập trung vào phát triển trí tuệ của trẻ trên nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ,… mà quên mất rằng giáo dục cảm xúc tích cực cho trẻ đặc biệt là trẻ mầm non là điều rất quan trọng. Việc giúp trẻ nhận biết cảm xúc tích cực của mình chính là một trong những bước đầu tiên để phát triển kỹ năng tình cảm xã hội và phát triển trí tuệ cảm xúc. Giáo dục cảm xúc tích cực cho trẻ mầm non là một phần quan trọng trong hành trình học cách kiểm soát cảm xúc và thấu hiểu được những người xung quanh giúp trẻ kiểm soát được hành vi một cách đúng mực của chính mình.

          Dưới đây là một số biện pháp giáo dục cảm xúc tích cực cho trẻ mầm non  mà các cô giáo trường mầm non Cửu Cao luôn chú trọng để giúp các con có được các kỹ năng cảm xúc tích cực cần thiết, kìm chế cảm xúc tiêu cực ngay từ lúa tuổi mầm non.

1. Giáo dục qua các trò chơi, hoạt động liên quan đến cảm xúc

          Vui chơi luôn là cách giáo dục hiệu quả nhất đối với trẻ mầm non, chơi mà học học mà chơi giúp bé hứng thú và dễ dàng tiếp thu các kiến thức hơn. Chính vì thế, để giáo dục cảm cảm xúc cho trẻ mầm non hiệu quả giúp các con dễ kiểm soát được hành vi cảm xúc của mình thì việc giáo dục trẻ qua các trò chơi, các hoạt động trải nghiệm liên quan đến cảm xúc là phương pháp hay đáng lựa chọn.

Việc giáo dục cảm xúc trẻ thông qua các trò chơi biểu cảm như mặt nạ cảm xúc, dự đoán cảm xúc qua tranh ảnh, hoạt hình, video, đóng kịch thể hiện cảm xúc nhân vật,…

 

         

Ảnh bé đóng kịch thể hiện cảm xúc

2. Đặt nhiều câu hỏi liên quan đến cảm xúc giúp trẻ tư duy

          Giáo dục cảm xúc cần thực hiện thường xuyên, mọi lúc và mọi nơi. Kể cả những sinh hoạt trong thường ngày cũng có thể giáo dục cảm xúc cho trẻ. Ở độ tuổi mầm non này, trẻ chưa nhận thức được hết mọi việc, dễ ảnh hưởng và tiếp thu các thói quen xấu tốt của mọi người xung quanh. Vậy nên, duy trì giáo dục cảm xúc cho trẻ bằng cách tăng cường cho bé tham gia nhiều trải nghiệm và thực hành gắn với cuộc sống sẽ giúp bé nâng cao nhận thức và ứng xử hơn.

 

 

Ảnh trẻ trải nghiệm cảm xúc

Trên lớp cô giáo có thể kể những câu chuyện về cảm xúc thể hiện những hành vi tốt - xấu.  Sau đó đưa ra những câu hỏi để tác động vào tâm lý và cảm xúc của trẻ từ đó giáo dục cảm xúc tích cực cho trẻ. VD: (câu truyện sinh nhật của thỏ trắng, vì sao bé Bin nín khóc...) Bạn Bin vì sao lại khóc vậy nhỉ? Yêu và thương mẹ, con cần làm gì?; Thỏ trắng đã cư xử với mẹ của mình ra sao?

 

Ảnh trẻ nghe cô kể chuyện

Khi ở lớp cô tạo cho trẻ nhiều cơ hội để trẻ  được tự do tham gia vào các hoạt động để trẻ thể hiện những cảm xúc (hài lòng, nhiệt tình, hứng thú, say mê ...) hay ( không thích, thờ ơ, chán, uể oải... Quan sát và từ đó đưa ra những can thiệp kịp thời giúp trẻ có một cảm xúc tốt nhất khi tham gia vào các hoạt động.

Ở gia đình ba, mẹ trước khi đi ngủ hãy kể cho con câu chuyện nhỏ, hay hát ru, đơn giản là một cái ôm hay nụ hôn nhẹ nhàng từ ba, mẹ để truyền cho con cảm xúc được yêu thương đón nhận ngọt ngào.

3. Luôn lắng nghe, quan tâm đến cảm xúc của trẻ

Các chuyên gia tâm lý đã phân tích rằng “Trẻ nhỏ lứa tuổi mầm non không chỉ có nhu cầu giao tiếp với các bạn đồng trang lứa mà nhu cầu giao tiếp được nói, được thể hiện cảm xúc, được người lớn lắng nghe cũng rất lớn”. Trẻ muốn được kể chuyện về bạn ở trường ở lớp và những thứ xung quanh chúng.

Chẳng hạn như hướng dẫn trẻ kiểm soát cảm xúc, rèn luyện tính kiên nhẫn. Thì đối với những bé nhút nhát, ít nói, ngại giao tiếp cần quan tâm và hỏi han bé nhiều hơn để bé có thể tự tin nói lên quan điểm của bản thân.

Điều quan trọng ở đây là trẻ muốn nói lên suy nghĩ, nhận xét của trẻ. Khi lắng nghe và quan tâm đến cảm xúc của trẻ sẽ giúp trẻ  có thể rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình,hình thành phép lịch sự trong giao tiếp, một kỹ năng sống cần thiết khi trẻ trưởng thành.

4. Tôn trọng cảm xúc của trẻ

Tư duy của trẻ được hình thành và phát triển thông qua chính cách mà người lớn đối xử với chúng như thế nào? Người lớn hãy đóng vai trò là người tư vấn trong các quyết định của con, luôn tôn trọng cảm xúc của trẻ, không nên có lời nói hay hành động xúc phạm trẻ. Người lớn cần làm gương khi giáo dục cảm xúc cho trẻ khi người lớn làm gương, làm hình mẫu trong thể hiện cảm xúc, hành vi giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu và học hỏi theo thói quen của người lớn. Sự tôn trọng cảm xúc của trẻ tự tin hơn vào bản thân của mình đồng thời trong tư duy của trẻ sẽ dần hình thành ý thức trách nhiệm đối với chính mình và xã hội.

Nếu trẻ mầm non được giáo dục cảm xúc phù hợp từ khi còn nhỏ sẽ giúp con nhận biết được cảm xúc của bản thân và của mọi người xung quanh. Từ đó, trẻ sẽ thấu hiểu được các loại cảm xúc, biết lắng nghe, thông cảm và thấu hiểu với người khác. Khi trẻ đã nhận biết và đáp lại cảm xúc của người khác thì trẻ sẽ có khả năng tự quản lý được cảm xúc của mình sẽ biết cách giao tiếp, ứng xử, có thể tự đưa ra các quyết định trong cuộc sống đồng thời trang bị cho trẻ những kỹ năng đương đầu với những khó khăn và thử thách giúp trẻ trở thành một người tốt, có ích cho gia đình và xã hội khi trưởng thành.

                                                       Cửu Cao, ngày 05 tháng 4 năm 2023

                                                                            Người viết

 

 

                                                                          Vũ Thị Hiền