TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ - LỊCH SỬ QUÊ HƯƠNG

Vào ngày 28 tháng giêng năm Quý Mão (tức ngày 18/02/2023 dương lịch) vừa qua. Cô và trò lớp MG 5A3, trường MN Cửu Cao đã có buổi tham quan trải nghiệm tại miếu thôn Thượng xã Cửu Cao. Đây là dịp để các con ghi nhớ và biết ơn công lao to lớn của bốn người anh hùng của quê hương, và tại đây các con đã được nghe các cụ cao niên tại địa phương kể lại lịch sử về bốn vị Đại Vương. Đồng thời các con biết được việc đi lễ đầu năm là nét đẹp văn hoá của dân tộc.

Hình ảnh cô trò lớp 5A3 tại cổng miếu thôn Thượng

Hình ảnh cô trò lớp 5A3 dâng lễ tại miếu thôn Thượng

Tại đây các con còn được trực tiếp ngh e hát quan họ Bắc Ninh quyanh hồ tại Miếu. Các con rất vui thích khi được trải nghiệm nghe  hát tại đây. Các con còn hào hứng thưởng tiền cho các liền anh liền chị. Đây thực sự là một trải nghiệm thú vị và các con sẽ nhớ mãi khi các con học ở dưới mái trường Mầm non Cửu Cao thân yêu.

Hình ảnh cô trò nghe hát quan họ tại cổng miếu thôn Thượng

Lịch sử kể rằng:

Theo Thần tích: Đình Cửu Cao thờ một vị Công Chúa và bốn vị Đại Vương. Ngọc phả xưa được ghi nhận trong sách Bộ lễ của Quốc triều họ Lý: Lúc bấy giờ, tại trang Cửu Cao có gia đình Trưởng Lệnh, chồng là: Nguyễn Húy Tư, vợ là: Bùi Thị Hằng, hai người đã kết tóc xe duyên loan phượng, xum vầy.

Tuy nhà nghèo nhưng ông vẫn chuyên cần học chữ tinh thông. Bà thì lấy nghĩa làm ơn, làm ăn lương thiện, tu nhân tích đức. Hiền một nỗi đã ngoài 40 tuổi mà chưa có con. Bỗng một hôm ông nằm mơ thấy một vị Thần mũ áo chỉnh tề cưỡi hạc đến và bảo ông rằng: “Vợ chồng nhà ngươi số trời đã định, sớm muộn lo gì đến nhiều phúc mệnh…”. Nói xong vị thần rút 4 gươm vàng ném vào người bà lão. Bà tự nhiên đau bụng, ông choàng tỉnh dậy thấy đó là nằm mơ. Hàng ngày bà thường ra chỗ hai cái giếng ngoài cổng làng để lấy nước.

Một hôm, bà thấy mỗi giếng nổi lên hai quả trứng. Bà vớt lên để vào vạt áo đem về. Bỗng 4 quả trứng đều vỡ biến thành nước ngấm vào người bà. Từ đó, trong người bà luôn tỏa ra một vị hương thơm ngào ngạt, cũng từ đó bà đã mang thai. Hai năm sau bà sinh được bốn người con trai. Con thứ nhất, thứ hai sinh vào giờ Ngọ ngày mồng 7 tháng giêng năm Bính Thân. Con thứ ba, thứ tư sinh vào giờ Mão ngày 28 tháng giêng năm Đinh Hợi. Bốn người con đều hay ăn chóng lớn, khôi ngô tuấn tú, dáng người cao lớn, ham học chữ, luyện võ nghệ tinh thông. Ông bà đặt tên cho bốn người con: Con cả là Tuấn, con thứ hai là Nghiêm, con thứ ba là Phúc, con thứ tư là Hồng.

Khi bốn người con sắp đến tuổi trưởng thành thì ông, bà lần lượt qua đời. Lúc bấy giờ có giặc Chiêm đang xâm chiếm nước ta. Vua cho truyền hịch đi khắp nơi kêu gọi người tài đi đánh giặc cứu nước. Nghe tin trang Cửu Cao có bốn thanh niên tuấn tú, Vua cùng Công chúa Hoàng Phương về tận nơi mời. Cả bốn ông đều lên đường cùng Công chúa Hoàng Phương cầm quân đi đánh giặc. Các Ông đi đến đâu giặc đều tan đến đó. Cuối cùng đã đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta. Giặc tan, đất nước trở lại thanh bình. Vua phong tước cho bốn ông đại vương nhưng cả bốn ông đều từ chối nhận chức quan và xin về quê sinh sống cùng làm ruộng với nhân dân. Một thời gian sau, Công chúa Hoàng Phương xin phép Vua cha cưỡi thuyền rồng du ngoạn dọc sông Kim Ngưu về thăm bốn ông, thuyền dừng lại tại trang Cửu Cao.

Bốn ông nghe tin công chúa về thăm đã cùng ra và lên thuyền rồng bái kiến. Bỗng trời đất tối sầm, mưa gió nổi lên dữ dội làm đắm thuyền. Thế là cả Công chúa và bốn ông đều hóa ở đó, hôm đó là ngày 26/8. Triều đình nghe tin vô cùng thương tiếc Công chúa và bốn vị công thần. Vua sai các quan về tận nơi để an táng. Các quan cùng nhân dân vớt xác bốn ông lên an táng vào bốn lăng mộ. Chính vì vậy ngày nay có 5 miếu thờ ở 4 thôn, riêng Công chúa thờ ở chính nơi thuyền rồng bị đắm gọi là Miếu Nghè để nhân dân đời đời khói hương thờ cúng.

Cũng chính từ đó, nhân dân địa phương ta hàng năm đều Tế Lễ vào ngày mồng 7 tháng giêng là ngày sinh của ông Đệ Nhất; Đệ Nhị ở miếu Vàng và miếu Hạ. Ngày 28 tháng giêng là ngày sinh ông Đệ Tam, Đệ Tứ ở miếu Nguyễn Và miếu Thượng. Ngày 26/8 là ngày Kỵ của bốn vị Đại vương: Tuấn, Nghiêm, Phúc, Hồng và Công chúa Hoàng Phương. Cũng chính từ đó nhân dân ta suy tôn bốn vị Đại Vương và Công chúa là Thành Hoàng làng. Lấy ngày mồng 8 tháng 2 (Âm lịch) hàng năm là ngày sinh của Công Chúa Hoàng Phương, là ngày hội làng để ghi dấu ấn về những người con của quê hương Cửu Cao đã có công với nước dẹp yên giặc Chiêm Thành dưới triều đại nhà Lý. Bốn vị Đại Vương: Tuấn, Nghiêm, Phúc, Hồng có tài đức độ, trung quân ái quốc đánh giặc giành lại độc lập cho dân tộc ta.

                                           Cửu Cao, ngày 20 tháng 02 năm 2023

                                                                    NGƯỜI VIẾT

 

 

                                                                      Vũ Thị Hiền